Bài viết mô tả chi tiết về những lưu ý khi bạn cần chuyển nhượng vốn góp trong công ty. Cụ thể cho trường hợp công ty có vốn nước ngoài và công ty 100% vốn Việt Nam. Hiện nay, thực trạng mua bán công ty diễn ra khá phổ biển, ví dụ các thành viên/cổ đông đứng ra thành lập công ty rồi do không còn nhu cầu hoạt động nên chuyển nhượng lại cho người khác.
Chuyển nhượng vốn trong công ty Việt Nam
Đối với việc chuyển nhượng 100% vốn điều lệ trong công ty TNHH một thành viên, sẽ làm thủ tục chuyển nhượng và thay đổi chủ sở hữu công ty, nếu chỉ chuyển nhượng một phần vốn điều lệ thì phải chuyển đổi loại hình thành công ty TNHH hai thành viên trở lên hoặc công ty cổ phần.
Tương tự, đối với công ty TNHH hai thành viên trở lên nếu thực hiện việc chuyển nhượng mà số thành viên vẫn từ 02 trở lên thì chỉ thay đổi thành viên và tỷ lệ vốn góp, nhưng nếu việc chuyển nhượng dẫn đến thành viên công ty chỉ còn 01 người thì phải chuyển đổi loại hình thành công ty TNHH một thành viên.
Đặc biệt, đối với công ty cổ phần, nếu công ty thành lập trong thời hạn 03 năm thì cổ đông sáng lập chỉ được chuyển nhượng cho cổ đông không phải cổ đông sáng lập khi được sự đồng ý của các cổ đông sáng lập còn lại đồng thời không được quyền biểu quyết đối với số cổ phần chuyển nhượng. Còn đối với cổ đông thường (Không phải cổ đông sáng lập) thì được tự do chuyển nhượng cổ phần mà không cần làm thủ tục thay đổi tại Sở Kế hoạch và đầu tư.
Lưu ý: Theo quy định tại khoản 2 Điều 51 Nghị định số 108/2018/NĐ-CP ngày 23/8/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 78/2015/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp có hiệu lực thi hành từ ngày 10/10/2018:
“Việc thông báo thay đổi thông tin của cổ đông sáng lập với Phòng Đăng ký kinh doanh chỉ thực hiện trong trường hợp cổ đông sáng lập chưa thanh toán hoặc chỉ thanh toán một phần số cổ phần đã đăng ký mua theo quy định tại khoản 1 Điều 112 Luật Doanh nghiệp.”.
Chuyển nhượng có yếu tố nước ngoài
Đối với việc chuyển nhượng vốn cho người nước ngoài, sẽ làm thủ tục điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư (Nếu công ty đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư) và Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo Luật Đầu tư năm 2014.
Nhà đầu tư chỉ cần chuẩn bị Hộ chiếu (Đối với cá nhân)/Đăng ký kinh doanh (Đối với tổ chức) bản sao công chứng có thời hạn trong vòng 06 tháng.
Trường hợp thứ nhất: Đối với Doanh nghiệp Việt Nam
Khi thành viên/cổ đông trong doanh nghiệp Việt Nam chuyển nhượng cho nhà đầu tư nước ngoài thì doanh nghiệp phải làm thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp tại Sở kế hoạch và đầu tư. Sau đó làm thủ tục thay đổi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (Thay đổi chủ sở hữu/thành viên/cổ đông).
Nếu trường hợp nhà đầu tư nước ngoài nhận chuyển nhượng tỷ lệ vốn dưới 51% đồng thời doanh nghiệp hoạt động ngành nghề không có điều kiện thì doanh nghiệp chỉ cần làm thủ tục thay đổi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mà không cần phải làm thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp.
Trường hợp thứ hai: Đối với Doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài
Trong trường hợp này, Doanh nghiệp làm thủ tục điều chỉnh nhà đầu tư trên Giấy chứng nhận đầu tư sau đó thay đổi thành viên/cổ đông trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Nguồn: Coppy