Bài viết sau đây sẽ giải thích các khía cạnh sau để hiểu rõ về lĩnh vực viễn thông là gì? Các giai đoạn cơ bản cần đi qua để thành lập một công ty hoạt động trong ngành dịch vụ viễn thông và quá trình yêu cầu xin giấy phép hoạt động trong lĩnh vực này.
VIỄN THÔNG LÀ GÌ? KINH DOANH DỊCH VỤ VIỄN THÔNG LÀ GÌ?
Theo Luật Viễn thông 2009, các khái niệm về ngành viễn thông nói chung được giải thích như sau:
➧ Viễn thông là gì? Điện tử viễn thông là gì?
Viễn thông (hay điện tử viễn thông) là hành động trao đổi và xử lý thông tin dưới hình thức đường cáp, sóng vô tuyến điện, phương tiện lưu trữ quang học và các phương tiện điện tử khác. Thông tin bao gồm:
- Ký hiệu;
- Tín hiệu;
- Số liệu;
- Chữ viết;
- Hình ảnh;
- Âm thanh…
➧ Dịch vụ viễn thông là gì?
Dịch vụ viễn thông là dịch vụ trao đổi và xử lý thông tin giữa các bên sử dụng dịch vụ viễn thông, trong đó có dịch vụ viễn thông cơ bản (thoại, nhắn tin, fax, truyền số liệu, truyền hình ảnh, hội nghị truyền hình, kênh thuê riêng, kết nối internet…) và dịch vụ viễn thông giá trị gia tăng (thoại, thư điện tử, fax gia tăng giá trị, truy nhập internet…).
➧ Kinh doanh dịch vụ viễn thông là gì?
Kinh doanh dịch vụ viễn thông và kinh doanh hàng hóa viễn thông là hai hình thức kinh doanh viễn thông. Theo đó, kinh doanh dịch vụ viễn thông được định nghĩa là việc đầu tư vào dịch vụ viễn thông và cơ sở hạ tầng viễn thông công cộng với mục đích sinh lời theo quy định của pháp luật.
THỦ TỤC THÀNH LẬP CÔNG TY, NHÀ CUNG CẤP DỊCH VỤ VIỄN THÔNG
1. Xin giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh
Phải thành lập theo Luật Doanh nghiệp Việt Nam là một trong những điều kiện để hoạt động lĩnh vực điện tử, viễn thông. Khi đó, tùy vào việc doanh nghiệp vốn Việt Nam hay có vốn đầu tư nước ngoài mà chi tiết thực hiện sẽ khác nhau.
➧ Doanh nghiệp viễn thông có vốn Việt Nam
Chi tiết hồ sơ xin thành lập công ty điện tử, viễn thông bao gồm:
- Giấy đề nghị đăng ký thành lập doanh nghiệp;
- Điều lệ công ty;
- Danh sách thành viên/cổ đông;
- Giấy ủy quyền cho người đại diện nộp hồ sơ;
- CMND/CCCD/hộ chiếu thành viên/cổ đông và người đại diện nộp hồ sơ.
➧ Doanh nghiệp viễn thông có vốn đầu tư nước ngoài
Chi tiết hồ sơ xin giấy chứng nhận đầu tư cho công ty viễn thông bao gồm:
- Đề xuất thực hiện dự án đầu tư;
- Văn bản đề nghị thực hiện dự án đầu tư;
- Hợp đồng thuê nhà/văn phòng để thực hiện dự án;
- Văn bản xác minh số dư tài khoản ngân hàng của nhà đầu tư nước ngoài;
- Bản sao hộ chiếu của nhà đầu tư nước ngoài (nếu cá nhân đầu tư);
- Bản sao giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (nếu tổ chức đầu tư);
- Bản sao CMND/CCCD/hộ chiếu của người Việt Nam tham gia góp vốn (nếu có);
- Bản sao CMND/CCCD/hộ chiếu của người đại diện vốn góp cho tổ chức nước ngoài;
- Báo cáo tài chính có kiểm toán của tổ chức nước ngoài trong vòng 2 năm gần nhất.
2. Xin giấy phép viễn thông (giấy phép con)
Sau khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, bạn tiếp tục tiến hành thủ tục xin giấy phép viễn thông. Dưới đây là các loại giấy tờ cơ bản bạn cần chuẩn bị khi xin giấy phép viễn thông.
Chi tiết hồ sơ xin giấy phép viễn thông nói chung bao gồm:
- Đơn đề nghị cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông (mẫu số 1);
- Bản sao giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (nếu là doanh nghiệp Việt Nam);
- Bản sao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (nếu là doanh nghiệp vốn nước ngoài);
- Điều lệ công ty viễn thông (có dấu xác nhận của doanh nghiệp);
- Kế hoạch kinh doanh trong vòng 5 năm đầu, kể từ ngày được cấp giấy phép (mẫu số 4);
- Kế hoạch kỹ thuật tương ứng kế hoạch kinh doanh (mẫu số 5).
Số lượng: 5 bộ hồ sơ.
Thời gian xử lý hồ sơ: 40 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ.
Cơ quan tiếp nhận hồ sơ: Cục Viễn thông.
Lưu ý:
Tùy loại giấy phép viễn thông mà doanh nghiệp đề nghị cấp, chi tiết hồ sơ có thể thay đổi. Chẳng hạn với giấy phép thiết lập mạng viễn thông công cộng, bổ sung: văn bản xác nhận vốn pháp định, văn bản cam kết thực hiện giấy phép (mẫu số 7).
——–
Giấy phép viễn thông được chia thành nhiều loại như sau:
Giấy phép viễn thông |
||||
Giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông |
Giấy phép nghiệp vụ viễn thông |
|||
Giấy phép thiết lập mạng viễn thông | Giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông | Giấy phép lắp đặt cáp viễn thông trên biển | Giấy phép thiết lập mạng viễn thông dùng riêng | Giấy phép thử nghiệm mạng & dịch vụ viễn thông |
ĐIỀU KIỆN KINH DOANH LĨNH VỰC VIỄN THÔNG
Để làm nhà cung cấp dịch vụ viễn thông, bạn cần đảm bảo các điều kiện chung như sau:
- Phải có hợp đồng sử dụng dịch vụ viễn thông mẫu;
- Phải có giấy phép viễn thông (bao gồm giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông và giấy phép nghiệp vụ viễn thông), ngoại trừ các trường hợp được miễn giấy phép viễn thông như: đại lý cung cấp dịch vụ viễn thông, thuê đường truyền dẫn cung cấp dịch vụ ứng dụng viễn thông.
Qua đó, tùy vào từng hình thức hoạt động viễn thông cũng như loại giấy phép viễn thông mà điều kiện sẽ khác nhau.
1. Điều kiện cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông
Giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông bao gồm: giấy phép thiết lập mạng viễn thông công cộng và giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông.
➧ Đối với giấy phép thiết lập mạng viễn thông công cộng
Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ có hạ tầng mạng phải đảm bảo các điều kiện sau:
- Vốn pháp định tối thiểu 30 tỷ đồng;
- Đầu tư, phát triển mạng viễn thông tối thiểu 100 tỷ đồng trong 3 năm đầu tiên;
- Các điều kiện tương tự như giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông.
➧ Đối với giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông
Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ không có hạ tầng mạng phải đảm bảo các điều kiện sau:
- Phải được thành lập theo Luật Doanh nghiệp;
- Phải đảm bảo năng lực tài chính, hệ thống tổ chức và nhân sự phù hợp với dự án;
- Phải đảm bảo an toàn thông tin, hệ thống thông tin và cơ sở hạ tầng viễn thông.
2. Điều kiện cấp giấy phép nghiệp vụ viễn thông
Giấy phép nghiệp vụ viễn thông bao gồm: giấy phép lắp đặt cáp viễn thông trên biển, giấy phép thiết lập mạng viễn thông dùng riêng, giấy phép thử nghiệm mạng và dịch vụ viễn thông.
➧ Đối với giấy phép lắp đặt cáp viễn thông trên biển
Tổ chức lắp đặt cáp viễn thông trên biển có trạm cập bờ hoặc đi qua vùng đặc quyền kinh tế, nội thủy, lãnh hải, thềm lục địa của Việt Nam phải đảm bảo các điều kiện sau:
- Phải đảm bảo tuân thủ các quy định của luật pháp Việt Nam;
- Phải cam kết không gây hại hoặc làm ô nhiễm môi trường biển;
- Phải nhanh chóng và kịp thời cung cấp thông tin tuyến cáp cho cơ quan quản lý viễn thông;
- Phải cam kết chỉ hoạt động trong phạm vi khảo sát, lắp đặt, bảo dưỡng, sửa chữa tuyến cáp viễn thông. Đồng thời, chấp nhận và chịu chi phí cho việc kiểm tra, kiểm soát, hướng dẫn từ cơ quan có thẩm quyền trong phạm vi kể trên.
➧ Đối với giấy phép thiết lập mạng viễn thông dùng riêng
Tổ chức thiết lập mạng viễn thông dùng riêng phải đảm bảo các điều kiện sau:
- Phải đảm bảo không kinh doanh dịch vụ viễn thông;
- Phải có nghiệp vụ và phương án kỹ thuật phù hợp với kế hoạch phát triển viễn thông quốc gia cũng như các quy định khác về viễn thông;
- Phải đảm bảo an toàn thông tin, hệ thống thông tin và cơ sở hạ tầng viễn thông.
➧ Đối với giấy phép thử nghiệm mạng và dịch vụ viễn thông
Tổ chức thử nghiệm mạng và dịch vụ viễn thông phải đảm bảo các điều kiện sau:
- Dịch vụ viễn thông đề xuất thử nghiệm chưa được quy định trong giấy phép viễn thông đã được cấp hoặc có sử dụng tài nguyên viễn thông ngoài phạm vi được phân bổ;
- Giới hạn phạm vi thử nghiệm và quy mô thử nghiệm để đánh giá trước khi chính thức đưa vào kinh doanh;
- Phương án thử nghiệm mạng và dịch vụ viễn thông phải phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, giá cước, quy định về kết nối viễn thông.
3. Thời hạn sử dụng giấy phép viễn thông
Kinh doanh dịch vụ viễn thông không có giấy phép có thể bị xử phạt từ 70 triệu đồng – 100 triệu đồng. Do vậy, công ty viễn thông cần lưu ý hiệu lực sử dụng giấy phép viễn thông để tránh các trường hợp bị xử phạt không mong muốn.
Tùy vào từng loại giấy phép viễn thông mà thời hạn sử dụng khác nhau, cụ thể theo bảng dưới đây.
Loại giấy phép | Thời hạn sử dụng |
Giấy phép thiết lập mạng viễn thông công cộng | Tối đa 15 năm |
Giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông | Tối đa 10 năm |
Giấy phép lắp đặt cáp viễn thông trên biển | Tối đa 25 năm |
Giấy phép thiết lập mạng viễn thông dùng riêng | Tối đa 10 năm |
Giấy phép thử nghiệm mạng và dịch vụ viễn thông | Tối đa 1 năm |
NHÓM NGÀNH, MÃ NGÀNH THUỘC LĨNH VỰC KINH DOANH THIẾT BỊ ĐIỆN TỬ, VIỄN THÔNG
Mã ngành nghề viễn thông quan trọng nhất là mã ngành 6190 – hoạt động viễn thông khác. Chi tiết:
- Đại lý dịch vụ viễn thông;
- Dịch vụ viễn thông giá trị gia tăng;
- Cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động.
Ngoài ra, khi muốn thành lập công ty thiết bị điện tử, viễn thông thì doanh nghiệp có thể đăng ký theo 4 nhóm ngành: bán buôn, bán lẻ, sản xuất, sửa chữa.
➧ Nhóm ngành bán buôn
Ngành nghề kinh doanh | Mã ngành |
Bán buôn máy vi tính, thiết bị ngoại vi và phần mềm | 4651 |
Bán buôn thiết bị và linh kiện điện tử, viễn thông | 4652 |
➧ Nhóm ngành bán lẻ
Ngành nghề kinh doanh | Mã ngành |
Bán lẻ máy vi tính, thiết bị ngoại vi, phần mềm và thiết bị viễn thông trong các cửa hàng chuyên doanh | 4741 |
Bán lẻ thiết bị nghe nhìn trong các cửa hàng chuyên doanh | 4742 |
➧ Nhóm ngành sửa chữa
Ngành nghề kinh doanh | Mã ngành |
Sửa chữa máy vi tính và thiết bị ngoại vi | 9511 |
Sửa chữa thiết bị liên lạc | 9512 |
Sửa chữa thiết bị, đồ dùng gia đình | 9522 |
Sửa chữa thiết bị nghe nhìn điện tử gia dụng | 9521 |
(*) Câu ràng của 4 mã ngành trên là “Trừ gia công cơ khí, tái chế phế thải, xi mạ điện tại trụ sở”.
➧ Nhóm ngành sản xuất
Ngành nghề kinh doanh | Mã ngành |
Sản xuất linh kiện điện tử | 2610 |
Sản xuất sản phẩm điện tử dân dụng | 2640 |